PHẦN MỀM HỖ TRỢ WIN TRÊN MAC: BOOT CAMP VS PARALLELS DESKTOP

- Tin tức
PHẦN MỀM HỖ TRỢ WIN TRÊN MAC: BOOT CAMP VS PARALLELS DESKTOP

 

Mặc dù sử dụng MacBook nhưng vẫn rất nhiều phần mềm chỉ tương thích Win. Do đó, việc cài đặt 2 hệ điều hành trên máy là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, cài Win lên Mac bằng Boot Camp hay Parallels Desktop sẽ tốt hơn? Cùng SADO tìm hiểu bạn nhé!

1. Boot Camp:

Boot Camp là tiện ích được tích hợp vào hệ điều hành OS X của MacBook. Bạn chỉ cần đi đến mục Ứng dụng > Tiện ích bạn sẽ thấy ngay ứng dụng Trợ lý Boot Camp. Khi hoạt động, Boot Camp sẽ tạo một phân vùng riêng trên ổ cứng của máy dành riêng cho việc cài đặt và chạy Window (nghĩa là nó sẽ chia ổ cứng thành hai phần riêng biệt). Khi khởi chạy tiện ích này, bạn có thể tuỳ chọn thay đổi dung lượng của phân vùng này. Khi cài đặt thành công thì mỗi lần bạn mở máy, bạn sẽ được yêu cầu chọn hệ điều hành bạn muốn sử dụng. Điều này có nghĩa, khi bạn muốn chuyển hệ điều hành, bạn phải khởi động lại máy của mình.

Ưu và nhược điểm của Boot Camp:

Ưu điểm:

+ Được tích hợp sẵn trên hệ điều hành macOS, hoàn toàn miễn phí.

+ Boot Camp chạy Windows tách biệt hoàn toàn với macOS thay vì cùng một lúc (như ảo hóa), nên ít gây sức ép cho RAM trên máy của bạn và giúp cho máy của bạn có thể dễ dàng theo kịp và chạy mượt mà.

+ Ứng dụng Trợ lý Boot Camp sẽ hướng dẫn bạn trong quá trình cài đặt.

+ Việc cập nhật cũng dễ dàng hơn.

Nhược điểm:

+ Mỗi khi bạn muốn chuyển đổi giữa các hệ điều hành, bạn cần khởi động lại máy tính của mình.

+ Khi bạn phân vùng ổ cứng xong, bạn không thể tuỳ chỉnh lại kích thước phân vùng nữa. Giả sử nếu bạn tạo phân vùng 100 GB cho Windows nhưng khi sử dụng hết dung lượng, bạn sẽ cần thiết lập lại hoàn toàn Boot Camp từ đầu và phân vùng lại theo nhu cầu của bạn. 

+ Không có cách dễ dàng để chuyển tập tin và dữ liệu giữa các hệ điều hành với nhau (Sẽ phải sử dụng dịch vụ đám mây như Dropbox, iCloud hoặc sử dụng thiết bị kết nối ngoài như ổ USB hoặc SD để chuyển.

+ Vì bạn cần phân vùng ổ cứng, nên bạn phải giảm dung lượng cho macOS nếu muốn dành nó cho Window.

2. Parallels Desktop:

Nếu bạn muốn sử dụng Parallels Desktop thì trước tiên bạn phải mua sản phẩm này trước đã (phiên bản mới nhất hiện nay là Parallels 15). Bạn cũng có thể sử dụng bản crack nếu muốn (không khuyến khích). Sau khi bạn mua và cài đặt Parallels, bạn có thể mở chương trình và cài đặt Window vào trong đó. Giống như Boot Camp thì bạn sẽ phải phân bổ dung lượng mà bạn muốn dành cho Window, tuy nhiên khác một chỗ là bạn có thể dễ dàng thay đổi các tuỳ chọn dung lượng ngay cả sau khi cài đặt hoàn tất (không cần phải cài lại từ đầu như Boot Camp). Parallels sẽ chạy như một ứng dụng trên Mac, bạn sẽ thấy toàn bộ khu vực Windows trên một cửa sổ riêng, hoạt động song song hoàn toàn với macOS. Điều này giúp cho việc chuyển đổi qua lại giữa hai hệ thống trở nên cực kỳ dễ dàng.

Ưu và nhược điểm của Parallels Desktop:

• Ưu điểm:

+ Có thể thao tác nhiều chức năng hơn Boot Camp vì bạn có thể chạy cả hai hệ điều hành cùng một lúc.

+ Di chuyển tệp dễ dàng giữa các hệ thống. Bạn thậm chí có thể liên kết Parallels và macOS để mọi tài liệu được tạo trong một hệ thống sẽ tự động sao chép và lưu vào hệ thống còn lại.

+ Chế độ kết hợp. Tính năng này của Parallels sẽ tích hợp Windows và macOS lại với nhau, mang đến cho bạn một giao diện chung cho cả hai hệ điều hành. Điều này có nghĩa là thay vì phải mở toàn bộ Windows Desktop trong macOS, bạn có thể mở các ứng dụng Windows ở Chế độ kết hợp và chúng sẽ giống như khi bạn mở một ứng dụng trên Mac.

+ Có thể thay đổi dễ dàng dung lượng phân vùng dữ liệu cho Window mà không cần cài lại như Boot Camp.

• Nhược điểm:

+ Đây là một phần mềm bên thứ ba nên chắc chắn sẽ mất phí.

+ Việc thiết lập sẽ phức tạp hơn so với Boot Camp.

+ So với Boot Camp thì Parallels sẽ gây nhiều áp lực lên RAM và CPU của máy vì máy phải gánh hai hệ điều hành đang chạy song song cùng lúc.

+ Việc cập nhật Parallels sẽ khó hơn vì đây là phần mềm mất phí. Với mỗi bản cập nhật macOS mới thì cũng cần phải nâng cấp Parallels để tương thích(nâng cấp sẽ mất thêm phí). Tuy nhiên sẽ không phải cài lại Window.

3. Kết luận:

Nếu bạn chỉ cần một trải nghiệm Window bình thường trên Mac và muốn giữ trải nghiệm đó tách biệt hoàn toàn so với macOS thì Boot Camp sẽ là lựa chọn hợp lý giúp cân bằng hiệu xuất hoạt động trên máy. Còn nếu bạn muốn các ứng dụng trên Window và macOS có thể hoạt động một lúc và việc lưu chuyển giữa các hệ điều hành trở nên nhanh và tiện hơn thì hãy sử dụng Parallels. Tất nhiên là Parallels sẽ hỗ trợ tốt hơn Boot Camp khi sử dụng song song hai hệ điều hành, nhưng đấy là trong trường hợp máy của bạn có đủ RAM (ít nhất 8GB) kèm một vi xử lý tốt. Nếu không thì Boot Camp vẫn sẽ là lựa chọn tối ưu hơn cho bạn.

Theo dõi các bài viết trên Fanpage để cập nhật tin tức nhanh chóng tại địa chỉ:

https://www.facebook.com/chuyengiasando/


Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về PHẦN MỀM HỖ TRỢ WIN TRÊN MAC: BOOT CAMP VS PARALLELS DESKTOP
Nhấn vào đây để đánh giá
1.57703 sec| 2131.625 kb